Sa tế thường được dùng để tẩm ướp thực phẩm trước khi nấu hoặc thêm vào món ăn nhằm tăng hương vị, giúp ngon miệng hơn. Một số món ăn phổ biến được chế biến với sa tế như: lẩu chua cay, ốc móng tay xào sa tế, chân gà nướng sa tế, bạch tuộc nướng sa tế, cánh gà nướng sa tế,… được rất nhiều người yêu thích, không phân biệt độ tuổi. Hôm nay hãy cùng mình khám phá công thức làm sa tế chay, cực kỳ đơn giản nhưng cực kỳ thơm ngon nhé!
Nguyên liệu làm món sa tế chay
- 200g sả cây
- 5 quả ớt sừng đỏ không cay
- 5 quả ớt hiểm
- 150g tỏi củ
- 100g hành tím
- 350 ml dầu ăn
- 100g hạt điều màu
- 1 muỗng cà phê đường
- 1 muỗng cà phê muối
- 1/2 muỗng cà phê bột ngọt
Cách làm sa tế chay
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Hành tím, tỏi thì bạn lột vỏ, rửa sạch, đập dập hành tím sau đó băm nhuyễn.
- Ớt thì bạn rửa sạch sau đó băm nhỏ.
- Sả rửa sạch, đập dập rồi xắt nhỏ để dễ băm. Sau đó bạn băm nhuyễn sả tương tự các nguyên liệu trên.
- Lưu ý, bạn nên mua những nguyên liệu trên về tự sơ chế tại nhà. Như vậy sa tế sẽ thơm ngon và giữ được lâu hơn đó.
Bước 2: Thắng màu dầu điều
Cho 300ml dầu ăn vào chảo, dầu ăn vừa sôi thì bạn giảm nhiệt độ xuống (mức khoảng 1500 độ C). Sau đó mới cho hạt điều vào thắng màu, làm như vậy hạt điều sẽ không bị cháy.
Dùng 1 cái vá đảo đều tay cho hạt điều ra màu và không bị cháy. Đến khi dầu điều đậm màu, dậy mùi thơm và các hạt điều nổi lên trên bề mặt thì bạn tắt bếp. Đợi dầu điều nguội, bạn lọc qua 1 cái rây để bỏ các hạt điều đi.
Lưu ý, nếu thắng dầu với lửa lớn sẽ dễ làm dầu có mùi hôi, không ngon đâu nha.
Bước 3: Làm sa tế chay
Dùng một cái chảo khác, cho vào 50ml dầu ăn còn lại, đến khi dầu nóng cho sả đã băm nhuyễn vào, đảo đều. Đến khi sả thơm thì bạn cho hành băm và tỏi băm vào, tiếp tục đảo đều.
Khi hỗn hợp bắt đầu vàng màu, bạn cho ớt băm vào, tiếp tục đảo đều. Nếu cho ớt vào quá sớm, đun lâu trên bếp sẽ làm mất mùi vị cay nồng của ớt đấy nha. Bước tiếp theo, bạn cho dầu điều vào khi ớt trong chảo đã dậy mùi nồng.
Lúc này, bạn cho vào chảo 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê muối và 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, đảo đều cho gia vị tan ra rồi ninh hỗn hợp trên lửa nhỏ (400 độ C) trong khoảng 5 phút để gia vị chín, sau đó tắt bếp.
Cuối cùng, bạn hãy đợi sa tế thật nguội mới cho vào hộp nhé. Món sa tế này có thể bảo quản được rất lâu bên ngoài ở nhiệt độ thường, không cần thiết bảo quản trong tủ lạnh đâu nè.
Thành phẩm món sa tế chay
Sa tế thành phẩm có màu nâu đỏ sẫm. Điểm cộng của món sa tế này là ít “kén” món ăn, có thể dùng trong gia đình hoặc kinh doanh quán ăn đều được. Sa tế thường được dùng ăn kèm với bún phở hoặc tẩm ướp thịt, hải sản trước khi nấu. Công thức sa tế trên có thể dùng cho món chay hoặc món mặn đều được. Quá tiện luôn đúng không nào cả nhà!
Mẹo bảo quản sa tế
Khi múc sa tế ra dùng, hãy múc bằng muỗng hoặc đũa sạch không dính thức ăn khác. Sau khi múc xong thì đóng nắp hũ lại, cần lấy tiếp thì dùng muỗng sạch khác để lấy.
Không để muỗng nhựa vào trong hũ. Chịu khó mỗi lần lấy thì dùng muỗng khác nhau, dùng xong rồi rửa nhé!
Để nơi thoáng mát như tủ lạnh ngăn mát/hộc rau củ, kệ bếp chỗ thoáng mát không có ánh nắng chiếu trực tiếp nhưng cũng không để trong hốc tủ, hốc chạn độ ẩm cao dễ gây mốc.
Sau khi cho hết sa tế ớt vào hũ đậy kín nắp và để ở nơi khô ráo, thoáng mát hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thì có thể dùng được khoảng 2 – 3 tháng.
Vậy là bạn đã hoàn thành xong món sa tế chay với cách chế biến, thực hiện vô cùng đơn giản, dễ làm. Giờ đây, thay vì mua sa tế ngoài hàng bạn có thể tự làm sa tế tại nhà với cách làm vô cùng đơn giản, các nguyên liệu dễ mua, giá thành rẻ.